Thứ 3, 1/21/2025

Thông tin đăng tải trên trang này phục vụ mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với điều kiện cần ghi rõ nguồn khi sử dụng. Tư vấn GeoViệt khuyến khích quý vị trao đổi kinh nghiệm của mình bằng cách gửi bài cho chúng tôi
Hotline: (024) 62657729 / 0838286123
  • Góc Kỹ thuật
  • |
  • Phát triển đô thị
Các quy định quản lý đô thị

Việc quản lý đô thị từ cấp trung ương đến từng địa phương được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng và các chính quyền đô thị tương ứng. Đối với một đô thị, yêu cầu về quản lý đô thị tập trung vào 3 khía cạnh chính là không gian đô thị, kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị.

1. Đối với không gian đô thị:

a) Không gian tổng thể và các không gian cụ thể trong đô thị được quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Quản lý không gian đô thị hiện hữu theo các khu vực cơ bản sau: khu vực đô thị mới phát triển; khu vực bảo tồn; khu vực khác của đô thị; khu vực giáp ranh nội, ngoại thị;

c) Đảm bảo tính liên hệ, kết nối chặt chẽ về không gian, cảnh quan cho những vùng giáp ranh giữa nội thành, nội thị với ngoại thành, ngoại thị;

d) Kết hợp điều kiện địa hình, hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống giao thông hiện có tạo ra không gian nối kết liên thông trong đô thị, thông gió tự nhiên, cải thiện môi trường đô thị;

đ) Thiết kế đô thị cần khai thác hợp lý cảnh quan thiên nhiên nhằm tạo ra giá trị thẩm mỹ, gắn với tiện nghi, nâng cao hiệu quả sử dụng không gian và bảo vệ môi trường đô thị.

2. Đối với kiến trúc đô thị:

a) Các công trình kiến trúc trong đô thị khi xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp phải phù hợp với quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị được duyệt, tuân thủ giấy phép xây dựng và các quy định tại quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của địa phương;

b) Không được chiếm dụng trái phép không gian đô thị nhằm mục đích tăng diện tích sử dụng công trình;

c) Diện tích, kích thước khu đất xây dựng công trình hoặc nhà ở phải đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của địa phương mới được cấp phép xây dựng;

d) Đối với các công trình xây dựng được cấp phép xây dựng mới bên trong khu vực đã được công nhận là di sản văn hóa phải nghiên cứu hình thức kiến trúc phù hợp, sử dụng vật liệu tương đồng về màu sắc, chất liệu với công trình di sản của khu vực;

đ) Mặt ngoài công trình kiến trúc đô thị không đ­ược sử dụng màu sắc, vật liệu gây ảnh hưởng tới thị giác, sức khoẻ con người, yêu cầu về vệ sinh và an toàn giao thông.

3. Đối với cảnh quan đô thị:

a) Cảnh quan đô thị do chính quyền đô thị trực tiếp quản lý. Chủ sở hữu các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị có trách nhiệm bảo vệ, duy trì trong quá trình khai thác, sử dụng;

b) Việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan trong đô thị đã được chính quyền đô thị xác định quản lý cần hạn chế tối đa việc làm thay đổi địa hình và bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên;

c) Đối với những khu vực có cảnh quan gắn với di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn,chính quyền đô thị phải căn cứ Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nghiên cứu, đánh giá về giá trị trước khi đề xuất giải pháp bảo tồn và khai thác phù hợp.

Các bài viết liên quan