Chủ nhật, 11/24/2024

Thông tin đăng tải trên trang này phục vụ mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với điều kiện cần ghi rõ nguồn khi sử dụng. Tư vấn GeoViệt khuyến khích quý vị trao đổi kinh nghiệm của mình bằng cách gửi bài cho chúng tôi
Hotline: (024) 62657729 / 0838286123
  • Góc Kỹ thuật
  • |
  • GIS
Ứng dụng GIS trong ngành Điện tại Việt Nam – hiện trạng, những tiến bộ và thách thức

 

Các doanh nghiệp ngành điện ngày càng được nhìn nhận một cách rộng rãi là các tổ chức “địa lý” bởi một thực tế là các đối tượng mục tiêu và tất cả hoạt động đều được thực thi tại 1 hoặc nhiều vị trí địa lý nào đó. Các quyết định chiến lược hay tác nghiệp được đưa ra đều dựa trên các thông tin dữ liệu mà 80 – 85% trong số đó mang yếu tố địa lý. . Về tổng thể, GIS giúp các doanh nghiêp điện vận hành hiệu quả hơn, giảm chi phí, nâng cao khả năng ra quyết định, cải thiện dịch vụ khách hàng và tăng cường sự phối hợp giữa các phòng ban và công tác truyền thông. Với kiến trúc hướng dịch vụ (SOA), một hệ thống GIS tích hợp và hiện đại sẽ giúp đáp ứng nhu cầu và giải quyết những thách thức ngành điện bằng việc tập trung vào các vấn đề:

(1)   Quản trị dữ liệu thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu địa không gian tích hợp;

(2)   Phân tích và lập kế hoạch dựa trên các công cụ tổng hợp, xử lý phân tích địa lý;

(3)   Tối ưu hóa lực lượng lao động với CSDL phân tán và các ứng dụng di động; và

(4)   Nâng cao nhận thức trong điều hành và phục vụ khách hàng thông qua các ứng dụng Web và trên đám mây.

Tại Việt Nam, GIS đã và đang được đưa vào áp dụng trong ngành điện từ nhiều năm nay. Trong lĩnh vực phát điện và truyền tải, một số ứng dụng tiêu biểu có thể kể đến bao gồm ứng dụng quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng tái tạo Việt Nam (gồm hệ thống thủy điện, năng lượng gió, mặt trời và năng lượng sinh khối) cũng như ứng dụng GIS quản lý mạng lưới truyền tải (ví dụ PTC3-GIS tại Công ty Truyền tải điện 3)… Có thể quan sát thấy rất nhiều ứng dụng GIS được triển khai tập trung vào quản lý hạ tầng kỹ thuật và quản lý vận hành mạng lưới điện phân phối (trung áp và hạ áp). Các Tổng Công ty điện lực trên cả nước đã và đang nỗ lực nâng cao hiệu quả kinh doanh, độ tin cậy của lưới điện, giảm tổn thất điện năng và cải thiện dịch vụ khách hàng. Tuy nhiên, phần lớn các công ty điện lực hiện vẫn còn phát triển và áp dụng các phần mềm quản lý bản vẽ AutoCAD / sơ đồ mạng lưới điện và các phần mềm quản lý tài sản, mô hình hóa lưới điện, quản lý khách hàng và các phần mềm phục vụ sản xuất kinh doanh một cách riêng rẽ, chưa có sự kết nối trên một nền tảng thống nhất.

Là đơn vị tiên phong, Tổng Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh đã phát triển ứng dụng GIS từ rất sớm theo mô hình 3 cấp: Điện lực, Công ty Điện lực và Tổng Công ty. Trải qua nhiều năm, việc áp dụng GIS đã giúp Tổng công ty thiết lập một cơ sở dữ liệu tích hợp đáng tin cậy về vị trí của các phần tử lưới điện đến điện kế của khách hàng trên cơ sở tham chiếu bản đồ nền của toàn thành phố. Các ứng dụng tích hợp được phát triển trên nền công nghệ ESRI giúp Tổng công ty quản lý hiệu quả lưới điện với các cấp điện áp 220kV, 110kV, 22kV, 15kV và 0,4kV với trên 680km đường dây/cáp truyền tải, 5.900km lưới điện trung thế và 11.300km lưới điện hạ thế, cung cấp điện cho trên 2 triệu khách hàng ở TP.HCM. Hệ thống GIS hỗ trợ quy hoạch cấp điện cho các khu vực dân cư mới, đáp ứng được sự phát triển nhanh của các phụ tải, giúp giảm sự cố và giảm tổn thất điện năng trên lưới phân phối xuống dưới 5%. Hơn nữa, với những phần mềm nghiệp vụ, hệ thống còn hỗ trợ CBCNV trong công việc sản xuất như tìm kiếm các thông tin về tài sản lưới điện, điện kế khách hàng hoặc vận hành cập nhật trạng thái đóng/cắt của thiết bị trên bản đồ lưới điện và cung cấp thông tin về phạm vi mất điện/tái lập điện cũng như thống kê báo cáo về hệ thống điện...

Năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) nghiên cứu triển khai dự án “Xây dựng ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý vận hành lưới điện EVNCPC” với nội dung quản lý tài sản, quản lý sơ đồ mặt bằng lưới điện trên bản đồ địa lý theo thời gian, quản lý sơ đồ nguyên lý lưới điện theo thời gian, tính toán các chỉ số MAIFI, SAIDI và SAIFI và quản lý mất điện, tổng thất điện năng, quản lý biểu đồ phụ tải và kết nối với các hệ thống phần mềm CMIS, FMIS, MDMS, SCADA, ContactCenter… hiện hành. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm từ Tổng công ty Điện lực TPHCM và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, EVNCPC hiện vẫn đang thảo luận và cân nhắc lựa chọn công nghệ GIS nền của hãng ESRI và công nghệ mã nguồn mở để xây dựng ứng dụng GIS (ArcFM) và các ứng dụng nghiệp vụ. Tham khảo bài trình bày “Công nghệ và yêu cầu kỹ thuật GIS trong các ứng dụng GIS ngành điện” tại hội thảo kỹ thuật cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung tại Đà Nẵng vào ngày 16/5/2014.

Mức độ phức tạp trong quản lý doanh nghiệp ngành điện cho thấy quá trình triển khai hệ thống GIS và những ứng dụng đi kèm chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo. Kinh nghiệm của ESRI Thailand cho thấy việc triển khai ứng dụng GIS tại các tỉnh của Thailand có thể kéo dài hàng năm. Điều quan trọng tiếp theo là khảo sát, thu thập đầy đủ, phân tích kỹ càng dữ liệu mạng lưới, phân vùng quản lý, điểm đo khách hàng… cùng với dữ liệu GIS nền để xây dựng chuẩn hóa được hệ cơ sở dữ liệu GIS tích hợp, đồng bộ. Đây chính là rào cản lớn gây trở ngại cho việc tin học hóa cũng như ứng dụng GIS trong quản lý ngành điện. Trên cơ sở công nghệ GIS nền và CSDL GIS tích hợp, các ứng dụng nghiệp vụ sẽ được xây dựng hoặc tích hợp các ứng dụng hiện có vào hệ thống chương trình GIS như SCADA, quản lý chăm sóc khách hàng, quản lý tài sản ngành Điện,… và đào tạo chuyển giao công nghệ. Một trong những thách thức nữa là sự phối hợp giữa các phòng ban và công tác quản lý ngành cần được quy trình hóa.

GIS là hệ thống mở, một nền tảng có thể tích hợp, kết nối với nhiều chương trình ứng dụng sẵn có của ngành Điện. Với sự hỗ trợ của GIS, ngành Điện có thể tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, lập báo cáo, quản lý tài sản, quản lý điều hành, hỗ trợ khách hàng, cải tiến chất lượng dịch vụ khách hàng dùng điện đồng thời tăng năng suất lao động, tối ưu hoá nguồn nhân lực, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp ngành điện và xã hội. Với những thành công trong triển khai ứng dụng GIS tại 1 số doanh nghjệp, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc các ứng dụng GIS trong ngành điện, đặc biệt trong xu hướng phát triển thị trường phát điện và phân phối điện cạnh tranh tại Việt Nam.

(Trần Hùng tổng hợp, 2015)