Chủ nhật, 1/5/2025

Thông tin đăng tải trên trang này phục vụ mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với điều kiện cần ghi rõ nguồn khi sử dụng. Tư vấn GeoViệt khuyến khích quý vị trao đổi kinh nghiệm của mình bằng cách gửi bài cho chúng tôi
Hotline: (024) 62657729 / 0838286123
  • Góc Kỹ thuật
  • |
  • GIS
GIS và Geo-Marketing

Làm thế nào để xác định được khách hàng tiềm năng cho từng khu vực bán hàng? Làm thế nào để tạo ra giao thông thương mại tại các điểm bán hàng?

Quy mô cạnh tranh cho sản phẩm thực sự là ở đâu? Nơi nào khách hàng cư ngụ, nơi nào doanh nghiệp sẽ đạt doanh thu cao nhất? Có hàng loạt những trăn trở thường trực trong mọi doanh nghiệp trên con đường đi tìm thị trường tiềm năng như: Bài toán về lựa chọn khách hàng, điểm bán, phân khúc; bài toán về xác định vùng kinh doanh, đối thủ, khách hàng, kênh phân phối; bài toán về phân tích thị trường, thị phần, thương hiệu. Ngay cả đối với những người làm quản lý, những người hiểu rất rõ về thị trường của mình thì họ vẫn cần một cách nhìn mới tổng quan về thị trường.

Mr. Karim Maghraby, một marketer chuyên nghiệp tại Ai Cập cho biết có một công cụ marketing tác động một cách trực tiếp và mạnh mẽ vào sự phát triển của thương mại hiện đại và sự tái cấu trúc của các loại hình bán lẻ. Chính kết quả này làm cho nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng nhận ra toàn cảnh của chính mình. Từ hàng loạt những vấn đề đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu đi tìm câu trả lời về khái niệm Geo-Marketing, một công cụ mà cách đây 5 năm công ty Autokranes ở Ý đã thu được một khoản lợi lớn khi sử dụng nó. Công ty Autokranes hoạt động trong lĩnh vực dầu lửa và thép đã quyết định đầu tư số vốn là 30.000 USD với loại công cụ như Mr Karim đã nói. Thật đáng ngạc nhiên là chỉ với 6 tháng sau họ đã thu được số lợi nhuận gấp gần 15 lần: 420.000 USD. Con số lợi nhuận khổng lồ ấy làm người ta phải ngạc nhiên và tò mò đặt câu hỏi, Geo marketing, anh là ai?

Geo-Marketing – câu trả lời cho bài toán của thị trường:

Geo-Marketing, hay gọi theo cách khác: Tiếp thị theo phương pháp địa lý là giải pháp ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào lĩnh vực marketing đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể hơn nó là một ngành khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Trong đó người ta sử dụng các thông tin về vị trí địa lý để hoạch định và xây dựng hệ thống marketing chiến lược. Điểm đặc biệt của Geo-Marketing là phân tích các vùng miền địa lý để đưa ra các giải pháp tiếp thị phù hợp với đặc điểm văn hóa xã hội của từng vùng kinh doanh.

Geo-Marketing bao gồm: GIS (hệ thống thông tin địa lý) như các loại bản đồ số, phần mềm GIS (Esri, Acrgis, Mapinfo, Moskito…); các loại dữ liệu như dữ liệu không gian, dữ liệu thuộc tính, dữ liệu nền, dữ liệu chuyên đề bao gồm các thông tin về sản phẩm, khách hàng, thị trường, đối thủ kinh doanh…Geo-Marketing quan trọng nhất vẫn cần có các kỹ thuật viên, quản trị viên hay nhà quản lý. Vì chính họ là những người sử dụng kiến thức chuyên ngành của mình để ứng dụng Geo-Marketing một cách hữu ích nhất.

Sở dĩ Geo-Marketing được quan tâm ở nhiều quốc gia bởi nó là công cụ đắc lực trong việc giải quyết các vấn đề về quản lý kênh phân phối, quản lý thị phần và xây dựng bản đồ cạnh tranh cho các doanh nghiệp, thương hiệu đang có địa bàn kinh doanh ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Dịch vụ này lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam bởi công ty Speed Media và công ty Moskito (một hãng chuyên về phần mềm GIS ở Đức).

Geo marketing - Giác quan thứ 6:

Geo-Marketing có tầm quan trọng tới mức có thể ví nó như là giác quan thứ 6 của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và không phải ngẫu nhiên nó được ví như vậy. Vai trò của Geo-Marketing thể hiện một cách rất rõ ràng ở từng khâu. Đối với các nhà quản lý cao cấp, Geo-Marketing sẽ cung cấp các thông tin thị trường một cách trực quan, giúp họ dễ dàng ra quyết định mang tính chiến lược cho tương lai vùng kinh doanh trọng yếu. Đối với các nhà quản trị tiếp thị thì nó có đa dạng dữ liệu thị trường làm cơ sở phân tích để lập kế hoạch chiến lược, chiến dịch tiếp thị trên nhiều địa bàn kinh doanh. Đối với các nhà quản lý trung cấp như giám đốc kinh doanh vùng, giám đốc logistics, giám đốc nhân sự hay giám đốc sản xuất, Geo-Marketing lại đóng vai trò cung cấp dữ liệu một cách trực tiếp hay gián tiếp cho việc hoạch định bán hàng, giải quyết các vấn đề về kênh phân phối, điểm bán hàng, mật độ bán hàng theo vùng kinh doanh. Lí do tại sao mà các tập đoàn lớn, các công ty nước ngoài khi vào Việt Nam họ có thể hội nhập rất nhanh chóng và tìm được ngay cho mình thị trường kinh doanh thích hợp là bởi vì họ nắm bắt được một cách rõ ràng nhất vai trò của bản đồ GIS để ứng dụng vào chiến lược marketing cho họ. Điều này đưa đến việc chiến lược kinh doanh của họ dù chỉ ngay bước đầu đã thành công được một nửa.

Ở Việt Nam, sở dĩ Geo-Marketing còn là một khái niệm khá mới mẻ bởi lẽ nó là một “người lạ mặt” so với các hoạt động tiếp thị khác của doanh nghiệp. Do đó nhân sự và hiểu biết chung về giải pháp và dịch vụ của Geo-Marketing chưa cao. Geo-Marketing cũng bị người ta e ngại khi dữ liệu thị trường và dữ liệu kinh doanh, cái mà dùng làm đầu vào (input) cho phần mềm GIS là vấn đề trước đây chưa được quan tâm phù hợp và đúng mức ở các doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi một ngành hàng, một ngành kinh doanh có dữ liệu đầu vào khác nhau hoàn toàn. Ví dụ với ngân hàng thì là phòng giao dịch, với hãng sản xuất đồ uống thì là mức sống, độ tuổi, các dữ liệu về dân số, xã hội. Cái mà người ta lo ngại nhất vẫn là làm sao các số liệu này có thể chính xác được khi bản đồ hành chính, giao thông, các con số về dân số xã hội ở Việt Nam vốn nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, bản thân phần mềm GIS không đẻ ra các số liệu. Nó chỉ tổng quan hóa các vấn đề và giúp chúng ta có định hướng chính xác hơn và tránh độ rủi ro khi đầu tư cho chiến dịch marketing. Do đó, Geo-Marketing đặt ra một số yêu cầu nhất định cho người sử dụng nó. Đối với các nhà quản trị, phải là những người có mong muốn quy hoạch lãnh thổ kinh doanh thật sự. Đối với các giám đốc kinh doanh tiếp thị, phải là người muốn có những “bản đồ tác chiến” thật sự, các chuyên viên thì phải có kiến thức về ngành hàng và biết đặt bài toán tiếp thị cho nhu cầu của công ty. Chỉ khi họ có những nhu cầu thiết yếu như vậy thì mới dành thời gian để tìm hiểu thêm về Geo-Marketing, thấy rõ được ưu nhược điểm của nó mà vận dụng cái ưu điểm vào chiến lược marketing của doanh nghiệp mình. Người sử dụng nó cũng phải là người biết kiên nhẫn khi làm việc với dữ liệu, biết chấp nhận biên độ rủi ro của số liệu thống kê tại Việt Nam vì sự chính xác của kết quả xuất ra trên phần mềm GIS phụ thuộc lớn vào độ chính xác của các số liệu đầu vào mà doanh nghiệp cung cấp.

Hơn nữa, dấu hiệu đáng mừng với những người làm công tác nghiên cứu là trong những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Việc ổn định bản đồ hành chính giao thông ở nước ta sẽ không còn nhiều phức tạp đến mức gây quan ngại tới việc xử lí dữ liệu của GIS. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sẽ giúp đơn giản hóa việc cập nhật liên tục các bản đồ nền căn bản đã có sẵn. Tất cả những tín hiệu khả quan đó đang dần mở ra một quan cảnh tốt đẹp cho Geo-Marketing tại Việt Nam trong một thời gian không bao xa nữa.

(Nguồn: geovn.com)