Thứ 3, 1/21/2025

Thông tin đăng tải trên trang này phục vụ mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với điều kiện cần ghi rõ nguồn khi sử dụng. Tư vấn GeoViệt khuyến khích quý vị trao đổi kinh nghiệm của mình bằng cách gửi bài cho chúng tôi
Hotline: (024) 62657729 / 0838286123
  • Góc Kỹ thuật
  • |
  • GIS
GIS phục vụ quy hoạch và quản lý đô thị tại Việt Nam

Tại Việt Nam, công nghệ GIS được tiếp nhận và nghiên cứu khá sớm với những quy mô khác nhau và mục đích khác nhau. Trong ngành xây dựng, GIS đã được đón nhận trong khoảng 10 năm qua do những ưu thế trong công tác thu thập đo đạc địa lý, quản lý, phân tích hiện trạng và dự báo xu hướng phát triển đô thị. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu lập quy hoạch, GIS đã được áp dụng trực tiếp vào một số đồ án điển hình do Bộ Xây dựng chủ trì như tập bản đồ quy hoạch các đô thị Việt Nam thời kỳ 1996 – 2020, Atlas quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam (1997 – 1999) quy hoạch xây dụng Vùng thủ đô (2005 – 2008), chiến lược phát triển đô thị (2006 – 2008)… Nhiều tỉnh, thành (ví dụ như TP Hồ Chí Minh, TP Nam Định, TP Cần Thơ) đặc biệt quan tâm và đầu tư lớn và GIS đã mang lại nhiều lợi ích, kèm theo đó là những khả năng mới, giải quyết các bài toán phức tạp trong công tác quản lý địa chính, đền bù, cây xanh, hạ tầng, chiếu sáng đô thị... Đơn cử, chính quyền quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) áp dụng GIS trong quản lý nhà và hộ gia đình, nhờ đó tính toán được chính xác diện tích cần giải tỏa, số tiền cần đền bù một cách nhanh chóng... Hay như Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng đã thành công trong việc ứng dụng GIS trong quản lý đô thị bằng việc nghiên cứu triển khai đề tài “Ứng dụng GIS trong quản lý và lập kế hoạch duy tu nâng cấp, xây mới hạ tầng giao thông, triển khai thí điểm trên địa bàn Quận 1”. Việc triển khai nghiên cứu ứng dụng này vào công tác quản lý hạ tầng giao thông đô thị đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác nhiệt tình của Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 - Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh. TP Nam Định cũng đã áp dụng GIS trong xây dựng bản đồ đánh giá đất theo loại đường, bản đồ quản lý số nhà, sử dụng thông tin nhà đất để bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, cung cấp thông tin nhà đất và quy hoạch, quản lý hồ sơ sử dụng đất...

Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng Dự án GIS tổng thể như Đồng Nai, Hà Nội, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… làm định hướng cho các ứng dụng GIS phục vụ phát triển KT-XH. Một số đô thị đã và đang trong quá trình phát triển hệ thống GIS tích hợp phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nam Định, Huế, Thái Nguyên, Phủ Lý… Một số địa phương đã thành lập trung tâm GIS như Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh trực thuộc UBND thành phố. Ví dụ, Trung tâm Ứng dụng GIS trực thuộc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 và đã có khá nhiều hoạt động nghiên cứu và ứng dụng GIS. Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng GIS đã triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ GIS phục vụ quy hoạch, quản lý đô thị và đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố” với mục tiêu nhằm giải quyết những nhu cầu thiết thực trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Các đô thị khác ứng dụng GIS trong quản lý đô thị hiện đang ở dạng đề tài, dự án thử nghiệm tập trung vào một vài lĩnh vực quản lý đô thị cụ thể. Đề tài “Ứng dụng GIS vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị thành phố Cần Thơ” đã được thực hiện và đạt được kết quả khả quan, cho thấy việc ứng dụng GIS trong công tác này là hết sức hiệu quả và khả thi. Hệ thống GIS cho phép người dùng truy cập các thông tin về hạ tầng như: cầu, đường, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước; thông tin về dân cư như: dân số cấp phường, mật độ dân số; thông tin quản lý nhà đất như: truy tìm theo mã số hồ sơ nhà, đất, tên chủ hộ, địa chỉ nhà...; thông tin về quy hoạch đô thị như: tính toán giải tỏa đền bù với kết quả tính toán từ cấp tổng thể (toàn dự án) đến chi tiết cấp hộ dân…

Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh đã xây dựng được một bộ chuẩn dữ liệu cho toàn tỉnh để tích hợp với bộ chuẩn CSDL quốc gia đáp ứng nhu cầu về tích hợp, xử lý và khai thác một cách tốt nhất các CSDL GIS. Bộ chuẩn GISHue được Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định ban hành một cách độc lập, bắt buộc áp dụng cho toàn bộ các cơ sở dữ liệu địa lý trong khuôn khổ GIS tại Thừa Thiên - Huế theo quyết định số 2320/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2008, về việc “Ban hành Quy chế về hành chính - kỹ thuật cho hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế”.Các quy trình, quy tắc, phương pháp, các thông tin địa lý cơ sở và các dữ liệu địa lý do các tổ chức và cá nhân xây dựng phải được chuẩn hoá theo bộ chuẩn GISHue, tức là làm cho phù hợp với bộ chuẩn GISHue. Bộ chuẩn GISHue là bộ chuẩn chính thức của tỉnh, đã được thể chế hóa và được công bố rộng rãi để tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh nên là cơ sở và tiền đề tốt để triển khai thành công các hệ thống GIS tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tham khảo “Kỷ yếu Hội thảo ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong phát triển đô thị” do Bộ Xây dựng tổ chức năm 2008 để có thêm thông tin về ứng dụng GIS đô thị tại Việt Nam.