Chủ nhật, 11/24/2024

Thông tin đăng tải trên trang này phục vụ mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với điều kiện cần ghi rõ nguồn khi sử dụng. Tư vấn GeoViệt khuyến khích quý vị trao đổi kinh nghiệm của mình bằng cách gửi bài cho chúng tôi
Hotline: (024) 62657729 / 0838286123
  • Góc Kỹ thuật
  • |
  • Viễn thám
Giới thiệu Vệ tinh quan trắc Trái đất – Suomi NPP

 

I.        Giới thiệu chung

Trong nhiều thập kỷ qua, NASA duy trì hệ thống vệ tinh quan trắc trái đất (EOS) gồm chuỗi vệ tinh NOAA, TERRA, AQUA, DSMP nhằm thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu khí hậu dài hạn và theo dõi điều kiện thời tiết cũng như các biến động môi trường và thảm họa thiên tai… Tiếp theo, với sự hợp tác của NASA, NOAA và Bộ quốc phòng Mỹ, vệ tinh đầu tiên trong thế hệ vệ tinh EOS mới – mang tên Suomi-NPP được phóng lên vũ trụ vào ngày 28/10/2011 nhằm mở rộng và nâng cấp khả năng quan trắc trái đất góp phần làm rõ động lực tương tác giữa các hệ thống khí quyển, mây, đại dương, băng, thực vật và vỏ cứng trái đất đang ngày càng đổi thay. Vệ tinh Suomi – NPP thu chụp và cung cấp dữ liệu viễn thám về bề mặt đất, đại dương và khí quyển như như nhiệt độ bề mặt, nhiệt độ mặt nước biển, khí quyển, độ ẩm, sinh khối và đặc tính của mây và aerosol...

II.         Các bộ cảm và các thông số

Vệ tinh Suomi-NPP mang theo 5 nhóm bộ cảm với các chức năng và thông số kỹ thuật như sau:

·        VIIRS (Visible Infrared Imaging Radiometer Suite) được thiết kế để thu chụp ảnh trong giải phổ nhìn thấy và hồng ngoại gần (9 kênh), hồng ngoại trung (8 kênh) và hồng ngoại nhiệt (4 kênh) với các bức xạ từ bề mặt đất, khí quyển và đại dương. Dữ liệu VIIRS được sử dụng để nghiên cứu các đặc tính của mây và aerosol, màu nước biển, nhiệt độ bề mặt và nhiệt độ mặt nước biển, nhiệt độ và sự di chuyển của băng, cháy rừng và chỉ số albedo. Các nhà khí tượng sử dụng dữ liệu VIIRS để củng cố sự hiểu biết của con người về hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dữ liệu VIIRS mở rộng và cải thiện độ phân giải và các đặc tính kỹ thuật kế thừa từ thế hệ bộ cảm AVHRR và MODIS trong quan trắc trái đất. Tham khảo thêm về bộ cảm VIIRS tại đây.

·       ATMS (Advanced Technology Microwave Sounder) với 22 kênh phổ thu thập các dữ liệu quan trắc mặt cắt khí quyển về nhiệt độ, độ ẩm phục vụ công tác dự báo thời tiết liên tục cũng như sử dụng dữ liệu dài hạn cho theo dõi khí hậu.

·      CrIS (Cross-track Infrared Sounder) là thiết bị đo phổ với 1305 kênh nhằm tạo mặt cắt 3-D độ phân giải cao về nhiệt độ, áp suất và độ ẩm khí quyển phục vụ các mô hình dự báo thời tiết ngắn hạn và dài hạn.

·       OMPS (Ozone Mapping Profiler Suite) gồm 2 bộ cảm siêu phổ thu chụp dữ liệu tầng ozone (giá trị tổng và theo mặt cắt) – 1 chỉ số rất quan trọng trong đánh giá sức khỏe tầng a do tác động của biến đổi khí hậu..  

·       CERES (Clouds and the Earth's Radiant Energy System) là thiết bị đo phổ 3 kênh, thu nhận mức bức xạ từ phần trên cùng của khí quyển đến bề mặt trái đất, gồm cả do phản xạ năng lượng mặt trời cũng như bức xạ trực tiếp từ trái đất. Bộ cảm này cũng xác định được các đặc tính của mây như số lượng, độ cao, độ dày, kích thước hạt và các pha tạo mây sử dụng 2 bộ thiết bị đo đồng thời.

Cũng như các vệ tinh EOS khác, việc thu nhận và sử dụng khai thác dữ liệu vệ tinh Suomi-NPP là miễn phí với cộng đồng nghiên cứu và được chia sẻ đông đảo. Tại Việt Nam, dữ liệu EOS như NOAA và MODIS đã được sử dụng trong ngành khí tượng, phát hiện sớm cháy rừng và trong các nghiên cứu ngành nông nghiệp. Người dùng được khuyến khích sử dụng khai thác dữ liệu Suomi-NPP với các thông tin chi tiết được chia sẻ trên các trang Web của NASA và các trường đại học…

Chi tiết về dữ liệu VIIRS, cách download / xử lý dữ liệu và các ứng dụng tại Việt Nam trong theo dõi và quản lý lửa rừng sẽ được giới thiệu trong Bản tin công nghệ số 3/2015. Liên hệ với chúng tôi để biết thêm thông tin và được hỗ trợ về vệ tinh Suomi-NPP, các bộ dữ liệu với các khả năng ứng dụng.

             (Tư vấn GeoViệt tổng hợp từ nguồn: http://www.nasa.gov, 2015)