(18/4/2013 | Viết bởi Nguyễn Thị Huệ)
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cùng với sự gia tăng dân số đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong hiện trạng sử dụng đất ở hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước. Kết quả của quá trình đô thị hóa là làm cho đất nông nghiệp nhanh chóng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các loại hình khác như các khu dân cư, các khu công nghiệp, các công trình công cộng khác. Việc nghiên cứu biến động trên diện rộng và thời gian dài là vấn đề cần thiết cho các cơ quan quản lý của các thành phố, nhất là ở các vùng ven đô vì đó là cầu nối giữa các vùng nông thôn, các thành phố vệ tinh với thành phố trung tâm.
Để nghiên cứu biến động lớp phủ mặt đất có nhiều phương pháp khác nhau với nhiều nguồn tài liệu khác nhau như: từ các số liệu thống kê hàng năm, số liệu kiểm kê, hay từ các cuộc điều tra. Các phương pháp này thường tốn nhiều thời gian, kinh phí và không thể hiện được sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác của lớp phủ mặt đất, và vị trí không gian của sự thay đổi đó. Phương pháp sử dụng tư liệu viễn thám đã khắc phục được những nhược điểm đó.
Cơ sở tư liệu viễn thám là phản xạ phổ của các đối tượng tự nhiên, có thể phân tích và thể hiện, đặc biệt có thể chia tách các vùng của các đối tượng trong lớp phủ mặt đất với các diện tích vùng riêng biệt. Dựa trên đặc trưng phản xạ phổ của các lớp đối tượng, bằng các mô hình, phần mềm chuyên dụng, tư liệu viễn thám được xử lý để xác định và chia tách với từng đối tượng. Tư liệu viễn thám đa thời gian cho phép xác định nhanh biến động lớp phủ mặt đất trong các khoảng thời gian giữa các thời điểm thu ảnh. Các thông tin về các đối tượng lớp phủ sau khi chiết tách, có thể tạo ra các bản đồ hiện trạng và tính toán cụ thể diện tích tại từng thời điểm cũng như tổng hợp phân tích kết quả về phân bố và biến động.
Ứng dụng viễn thám trong theo dõi biến động đô thị thực chất là nghiên cứu biến động lớp phủ mặt đất của đô thị, tập trung vào các đối tượng chính như: đất nông nghiệp, đất ở, đất bằng chưa sử dụng, mặt nước,… để từ đó đưa ra xu thế biến động của đô thị về mặt không gian.
Từ tư liệu ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, tiến hành xử lý, giải đoán, phân loại, chiết tách các thông tin, thành lập bản đồ lớp phủ mặt đất tại các thời điểm.
Hình 1: Ảnh SPOT huyện Từ Liêm, Hà Nội năm 1995, 2002 và 2009
Hình 2: Bản đồ hiện trạng lớp phủ mặt đất huyện Từ Liêm năm 1995, 2002 và 2009
Sau đó sử dụng công nghệ GIS chồng ghép bản đồ lớp phủ để tính toán, thành lập bản đồ biến động.
Hình 3: Bản đồ biến động lớp phủ mặt đất huyện Từ Liêm giai đoạn 1995 – 2002, 2002 – 2009
Bảng 1: Bảng ma trận biến động lớp phủ mặt đất huyện Từ Liêm năm 2002 – 2009
Như vậy, công nghệ viễn thám kết hợp với GIS cho hiệu quả cao và khách quan trong đánh giá và dự báo biến đổi lớp phủ mặt đất. Không chỉ thế công nghệ viễn thám kết hợp với GIS rất hữu hiệu trong việc xác định diện tích biến động của các đối tượng lớp phủ, hình thái biến động, mức độ biến động của từng đối tượng. Bên cạnh đó, việc sử dụng ảnh viễn thám độ phân giải cao hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về độ chính xác hình học cũng như cung cấp đủ lượng thông tin để xây dựng bản đồ biến động lớp phủ mặt đất đến cấp huyện.