Thứ 5, 3/28/2024

Thông tin đăng tải trên trang này phục vụ mục đích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với điều kiện cần ghi rõ nguồn khi sử dụng. Tư vấn GeoViệt khuyến khích quý vị trao đổi kinh nghiệm của mình bằng cách gửi bài cho chúng tôi
Hotline: (024) 62657729 / 0838286123
  • Góc Kỹ thuật
  • |
  • GIS
Chuẩn GIS tại Việt Nam

Trong lĩnh vực GIS, ở Việt Nam hiện nay chuẩn về hệ qui chiếu và toạ độ quốc gia là chuẩn đã được hoàn thiện một cách đầy đủ. Hiện nay chuẩn Hệ qui chiếu và hệ toạ độ quốc gia VN-2000 đã được ban hành tạo nền tảng thống nhất về cơ sở qui chiếu cho dữ liệu đo đạc bản đồ nói chung và dữ liệu thông tin địa lý nói riêng. Chuẩn này bao gồm các quy định về:

  • Phạm vi áp dụng cho tất cả hệ thống toạ độ các cấp hạng, bản đồ địa hình, bản đồ nền, bản đồ địa chính, bản đồ hành chính quốc gia và các loại bản đồ chuyên dụng khác.
  • Các tham số của hệ qui chiếu: Ellipsoid WGS-84 toàn cầu, các kích thước, tốc độ góc quay, hằng số trọng trường, định vị và điểm gốc toạ độ quốc gia.
  • Hệ thống toạ độ phẳng, lưới chiếu bản đồ qui định cho các tỷ lệ.

Bên cạnh đó hiện nay đã có một số các quy phạm, quy định kỹ thuật về thành lập bản đồ hiện đang được áp dụng trong ngành được coi như là chuẩn của hệ thống bản đồ. Một số các quy phạm, quy định kỹ thuật có liên quan đến việc chuẩn hóa hệ thống thông tin địa lý cơ sở quốc gia bao gồm:

  • Qui định kỹ thuật số hoá bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, 1/25.000, 1/50.000, 1/100.000 ban hành năm 1999. Trong đó có đề cập đến qui định về các lớp, nội dung thông tin, ký hiệu áp dụng cho công việc số hoá bản đồ địa hình. Qui định được thực hiện trên khuôn dạng phần mềm MicroStation.
  • Qui phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1.000, 1/2.000, 1/5.000, 1/10.000 và 1/25.000 ban hành năm 1999. Trong đó có qui định các nội dung thông tin và phân lớp trong xây dựng và thành lập bản đồ địa chính.

Hiện tại, Bộ TN&MT đang hoàn thiện bộ chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia bao gồm các quy chuẩn sau đây:

  • Quy chuẩn mô hình cấu trúc dữ liệu địa lý;
  • Quy chuẩn mô hình khái niệm không gian;
  • Quy chuẩn mô hình khái niệm thời gian;
  • Quy chuẩn phân loại đối tượng địa lý;
  • Quy chuẩn hệ quy chiếu tọa độ;
  • Quy chuẩn siêu dữ liệu địa lý (metadata);
  • Quy chuẩn chất lượng dữ liệu địa lý;
  • Quy chuẩn trình bày dữ liệu địa lý;
  • Quy chuẩn mã hóa trong trao đổi dữ liệu địa lý.

Sau khi chuẩn hóa dữ liệu, sản phẩm sẽ là một bộ CSDL chuẩn cả về thông tin không gian và thuộc tính được trình bày một cách logic. Trong thực tế, quy trình chuẩn hóa dữ liệu bao gồm chuẩn hóa dữ liệu không gian và phi không gian:

  • Đối với dữ liệu không gian: chuyển đổi dữ liệu không gian về hệ tọa độ thống nhất theo yêu cầu thiết kế kỹ thuật, xác định các mối quan hệ topology, sửa lỗi topology…
  • Đối với dữ liệu phi không gian: phải chuẩn hóa địa danh, tên gọi, phân loại và phông chữ theo quy định (nếu cần thiết).

Hiện tại, ngoài chuẩn hệ toạ độ quốc gia VN2000 do Bộ TN&MT ban hành, một số quy định và chuẩn quốc gia chuyên ngành có thể kể đến như:

  • Chuẩn mã tiếng Việt quốc gia do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quy định.
  • Chuẩn các mã số do Tổng cục Thống kê ban hành.
  • Chuẩn chuyên ngành dọc được quy định bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Các bài viết liên quan